Hotline: 0969771256

Bộ phận chứa độc và chất độc có trong cây Đay

Ngày 09 Tháng 03 Năm 2024

CÂY ĐAY

Bộ phận độc của cây rau đay

Mô tả cây đay

Tên khác: Rau đay, đay quả tròn. Tên khoa học:   Corehorus capsularis L. Họ Đay (Tiliaceae)

Mô tả: Cây thảo mọc hàng năm, cao 1 - 3m. Lá mọc so le, phiến lá hình mũi mác, dài 6-10cm, rộng 1,5 - 3cm, đầu nhọn, gần gốc phiến lá có 2 lông mảnh dài, mép lá có răng cưa. Gốc cuống lá có hai lá kèm mảnh hình sợi. Hoa vàng, thường tập trung 2-3 chiếc trên một cuống chung ngắn. Quả nang gần hình cầu, dài 12mm, rộng 10 - 11mm, có 10 rãnh dọc rõ. Quả già sẽ mở ra 5 mảnh, mỗi mảnh có hai dãy hạt (mỗi dãy có 5 hạt), Hạt dẹt có cạnh.

Nơi mọc: Cây mọc ở nhiều nước châu Á. Ở nước ta, ngoài cây mọc hoang, còn được trồng để lấy vỏ thân làm sợi dệt (vẫn gọi là sợi đay) và ngọn non làm rau ăn.

Bộ phận độc và chất độc

Trong hạt có 12-15 phần trăm dầu béo và các glycosid có tác động đối với tim, giống như digitalin, như olitorisid, corchorosid A erysimosid, helveticoid.

Triệu chứng ngộ độc

Khi động vật ăn phải hạt (trong thời kỳ quả chín, hạt rơi vãi ra ngoài) thì sẽ gây ức chế toàn thân, thân nhiệt giảm, rên rỉ, từ hậu môn chảy ra chất nhầy lẫn máu (ở động vật nhai lại).

Giải độc và điều trị

Dùng thuốc tẩy dầu (dầu thầu dầu, dầu bông) để nhanh chóng loại chất độc ra khỏi đường tiêu hoá. Nếu bị ức chế mạnh thì dùng thuốc kích thích.

Chú thích

Các chất olitorisid và corchorosid A được dùng làm thuốc trợ tim. Khi nghiên cứu hoạt chất của cây đay, các nhà khoa học Việt Nam đề nghị gọi hỗn hợp các glỵcosid tim của hạt đay là daycosid.

Một cây đay nữa cũng được trồng để lấy sợi là đay quả dài (Corchorus olitorius L.). Từ hạt của cây này cũng có các glycosid tim như olitorin, olitorisid và corchorosid A... Khi động vật ăn phải cũng bị ngộ độc như trên.

Tin tức liên quan
Đặt lịch khám