Hotline: 0969771256

Học thuyết âm dương

Ngày 02 Tháng 10 Năm 2023

1. Đại cương về học thuyết âm dương

1.1 Học thuyết âm dương là gì ?

- Học thuyết âm dương là triết học cổ đại phương Đông và cách đây gần 3000 năm nghiên cứu sự mâu thuẫn, thống nhất, quá trình vận động, tiến hóa không ngừng của vật chất.

- Học thuyết âm dương cho thấy nguyên nhân phát sinh, phát triển và tiêu vong của vạn vật do hai yếu tố cơ bản (âm, dương) trong sự vật quyết định.

- Học thuyết âm dương là nền tảng tư duy của các ngành học thuật phương Đông đặc biệt là Y học từ lý luận đến thực hành, trong chẩn đoán, phòng bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe con người, bào chế, sử dụng thuốc…

1.2 Phân định âm dương

Âm

Dương

Âm

Dương

Đất

Trời

Vị đắng

Vị cay

Nước

Lửa

Chua

Ngọt

Đêm

Ngày

Mặn

Nhạt

Nghỉ ngơi

Hoạt động

Mùa đông

Mùa hạ

Đồng hóa

Dị hóa

Nữ giới

Nam giới

Ức chế

Hưng phấn

Hữu hình

Vô hình

Lạnh, mát

Nóng, ấm

Ngủ

Thức

2. Những quy luật cơ bản của học thuyết âm dương

2.1. Âm dương đối lập

Đối lập là mâu thuẫn chế ước, đấu tranh lẫn nhau giữa hai mặt âm dương như ngày với đêm, như nóng với lạnh.

2.2. Âm dương hỗ căn

Hỗ căn là nương tựa vào nhau của hai mặt âm dương như đồng hóa và dị hóa, hưng phấn và ức chế, âm phải có dương và ngược lại mới tồn tại được.

2.3. Âm dương tiêu trưởng

- Tiêu là sự mất đi.

- Trưởng là sự trưởng thành.

Âm dương tiêu trưởng nói lên sự không ổn định mà luôn biến động không ngừng của vật chất, khi âm tiêu thì dương trưởng và ngược lại. Quá trình biến động thường theo một chu kỳ nhất định như sáng và tối trong một ngày, bốn mùa trong năm.

Khi sự biến động vượt quá mức bình thường thì có sự chuyển hóa âm dương: “Cực âm tất dương, cực dương tất âm, hàn cực sinh nhiệt, nhiệt cực sinh hàn”.

Ví dụ: Sốt quá cao (nóng cực) bệnh thuộc dương gây mất nước, điện giải dẫn đến truy mạch (cơ thể giá lạnh) thuộc âm. Hoặc ỉa lỏng, nôn mửa nhiều gây mất nước, điện giải (bệnh thuộc âm) làm nhiễm độc thần kinh gây sốt cao, co giật (bệnh thuộc dương).

2.4. Âm dương bình hành

Âm dương bình hành là vận động không ngừng nhưng luôn luôn giữ được thế thăng bằng giữa hai mặt đối lập, là cân bằng cùng tồn tại, cân bằng động, cân bằng sinh vật. Âm dương bình hành trong sự tiêu trưởng và tiêu trưởng trong thể bình hành. Nếu sự cân bằng này bị phá vỡ thì sự vật có nguy cơ bị diệt vong, không tồn tại.

3. Biểu tượng của học thuyết âm dương

Học thuyết âm dương

Người xưa hình tượng hóa học thuyết âm dương bằng biểu tượng âm dương:

- Một hình tròn: Thể hiện một vật thể thống nhất.

- Bên trong có hai phần đen trắng thể hiện tính đối lập của âm, dương.

- Trong phần trắng có một vòng đen, trong phần đen có một vòng trắng (âm dương hỗ căn, nương tựa lẫn nhau trong âm có dương, trong dương có âm).

- Diện tích hai phần đen trắng đều nhau được phân đôi bằng đường sin (âm dương luôn bình hành, cân bằng trong tiêu trưởng).

4. Ứng dụng trong y học của học thuyết âm dương

Học thuyết âm dương là nền tảng tư duy và kim chỉ nam cho mọi họa động của Y học Cổ truyền phương Đông, xuyên suốt các mặt từ lý luận đến thực tế lâm sàng, từ phòng bệnh đến chữa bệnh, từ chế thuốc đến dùng thuốc.

4.1. Phân định tính chất âm dương trong cơ thể

Âm

Dương

Phần lý: Gồm các nội tạng bên trong cơ thể, dinh huyết.

Phần biểu: Gồm da, cơ, cân, khớp, lông tóc, móng, vệ khí.

Nửa người bên trái

Nửa người bên phải

Ngực, bụng

Lưng

Tinh, huyết

Khí

Các đường kinh âm

Các đường kinh dương

Các tạng

Các phủ

4.2. Quan niệm về bệnh, nhận định chẩn đoán và nguyên tắc chữa bệnh

4.2.1. Bệnh tật phát sinh là sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể:

- Hoặc do một bên quá mạnh (thiên thắng): âm thịnh hoặc dương thịnh.

- Hoặc do một bên quá yếu (thiên suy): âm hư hoặc dương hư.

- Hoặc do âm dương lưỡng hư.

- Trong quá trình phát triển bệnh tật còn chuyển hóa, ảnh hưởng lẫn nhau giữa hai mặt (âm thắng tắc dương bệnh và ngược lại).

- Âm dương cân bằng không có bệnh.

4.2.2. Chữa bệnh là lập lại thế cân bằng sinh lý

- Nếu do một bên quá mạnh thì dùng phép tả, dùng thuốc có tính đối lập để xóa bỏ phần thừa.

Ví dụ: Bệnh hàn dùng thuốc ấm nóng, bệnh nhiệt dùng thuốc mát lạnh.

            Nếu nhầm hàn nhiệt sẽ gây tai biến “Hàn ngộ hàn tắc tử, nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng”.

- Nếu do một bên quá yếu thì dùng phép bổ tức là dùng thuốc có tính chất đền bù vào chỗ thiếu hụt.

Ví dụ: Âm hư thì bổ âm, huyết hư thì bổ huyết, thiếu lực thì dùng thuốc tăng lực, cơ thể bị lạnh dùng thuốc ấm nóng để hồi phục thân nhiệt.

- Khi cân bằng đã được phục hồi thì phải ngừng thuốc, lạm dụng sẽ có hại, sẽ gây sự mất cân bằng mới phát sinh.

4.3. Bào chế thuốc

4.3.1. Phân định nhóm thuốc

- Âm dược:

Các thuốc có tính mát lạnh, có vị đắng, chua, mặn hướng thuốc đi xuống. Như nhóm thuốc thanh nhiệt, sổ hạ, lợi tiểu.

- Dương dược:

Các thuốc có tính ấm nóng, có vị cay, ngọt, hướng thuốc đi lên, như những thuốc bổ, thuốc hành khí hoạt huyết, giải biểu.

4.3.2. Bào chế thuốc

Để làm ổn định, biến đổi một phần tính dược (tăng giá trị sử dụng của dược liệu) bằng cách dùng phương pháp sao tẩm hoặc dùng thuốc có tính đối lập để thay đổi tính dược: như Sinh địa lạnh đem tẩm Gừng, Sa nhân rồi chưng, sấy 9 lần sẽ được vị Thục địa có tính ấm…

4.4. Phòng bệnh

Y học cổ truyền đề cao việc rèn luyện tính thích nghi với môi sinh để luôn giữ được cân bằng âm dương trong cơ thể, dự phòng bệnh tật và tăng cường, bảo vệ sức khỏe.

Các phương pháp tập luyện đều phải coi trọng cả phần tâm (dương) và phần thể (âm). Khi tiến hành tập cần kết hợp tập động (dương) và tập tĩnh (âm). Rèn luyện cơ, cân, khớp (biểu) kết hợp rèn luyện các nội tạng (lý).

Nguồn: Giáo Trình Y học cổ truyền

Tin tức liên quan
Đặt lịch khám