Hotline: 0969771256

Mề đay mẩn ngứa: Hiểu rõ để điều trị hiệu quả

Ngày 04 Tháng 07 Năm 2024

Mề đay mẩn ngứa là một căn bệnh da liễu phổ biến, gây ra những đốm mẩn đỏ, ngứa ngáy trên da, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. 

Nổi mề đay mẩn ngứa là gì?

Mề đay mẩn ngứa là tình trạng phản ứng của các mao mạch dưới da, niêm mạc với các tác nhân gây dị ứng bên trong hay bên ngoài cơ thể. Từ đó dẫn tới hiện tượng phù tại chỗ, da phồng lên và người bệnh cảm thấy vô cùng ngứa ngáy, khó chịu. 

Nổi mề đay đôi khi chỉ xuất hiện ở một vùng da nhất định trên cơ thể nhưng cũng có trường hợp xuất hiện cùng một lúc ở nhiều khu vực khác nhau. Bệnh mề đay kéo dài không quá 6 tuần gọi là mề đay cấp tính, còn những trường hợp kéo dài trên 6 tuần được gọi là mề đay mạn tính. 

mề đay mẩn ngứa

Nguyên nhân nổi mề đay mẩn ngứa 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nổi mề đay, trong đó phổ biến nhất là dị ứng với thức ăn (như hải sản), thuốc men, côn trùng đốt, hóa mỹ phẩm. Ngoài ra, yếu tố di truyền, một số bệnh lý như tuyến giáp tự miễn, lupus ban đỏ, cryoglobulinemia,... cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Bên cạnh đó, nữ giới và người trẻ tuổi cũng được cho là có tỷ lệ mắc mề đay cao hơn so với nam giới và người cao tuổi.

Mề đay mẩn ngứa có những triệu chứng gì? 

Mỗi giai đoạn của bệnh mề đay có thể biểu hiện triệu chứng và mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, một số triệu chứng phổ biến thường gặp bao gồm:

- Nổi mẩn đỏ: Da người bệnh có thể nổi mẩn tập trung thành từng vùng hoặc rải rác khắp cơ thể. Các nốt mẩn có kích thước khác nhau, có thể đơn lẻ hoặc tạo thành từng mảng lớn. Trong một số trường hợp, mẩn chỉ xuất hiện ở một vùng da nhất định trước khi lan rộng ra toàn thân.

- Ngứa: Đây là triệu chứng đặc trưng của bệnh mề đay. Vùng da bị mẩn ngứa dữ dội, càng gãi càng ngứa và nóng rát. Cơn ngứa thường trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm và chiều tối.

- Triệu chứng đi kèm: Ngoài ra, người bệnh mề đay có thể gặp thêm một số triệu chứng khác như mệt mỏi, nổi mụn nước, tiêu chảy, sưng môi và mắt, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp,...

Cách chữa mề đay mẩn ngứa

Để chữa mề đay mẩn ngứa, bạn cần thực hiện song song 2 việc: 

- Loại bỏ nguyên nhân: Bước đầu tiên trong điều trị mề đay là xác định và loại bỏ nguyên nhân gây kích ứng da.

- Sử dụng thuốc: Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng histamine, thuốc kháng sinh hoặc thuốc đặc trị khác.

Một số trường hợp mề đay do di truyền thì không thể tự khỏi và có thể tái nhiễm dù bệnh nhân đã được điều trị bằng những phương pháp điều trị khác nhau. Thông thường, cách điều trị đối với những trường hợp này là điều trị triệu chứng, làm giảm bớt ngứa ngáy và cảm giác khó chịu cho người bệnh.

Phòng ngừa hiệu quả bệnh mề đay

Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh mề đay, đặc biệt là những trường hợp do dị ứng, bạn cần lưu ý những điều sau:

- Tránh xa các tác nhân gây dị ứng, hạn chế tiếp xúc với các yếu tố kích thích da như: bụi bẩn, lông động vật, hóa chất độc hại,...

- Ưu tiên sử dụng quần áo rộng rãi, thoáng mát, được làm từ chất liệu mềm mại, ít gây kích ứng.

- Giữ vệ sinh da sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên với nước mát.

- Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp để da luôn mềm mại, mịn màng.

- Tránh gãi, chà xát mạnh lên vùng da bị mề đay để hạn chế tổn thương da.

- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch.

- Ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress.

Bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về bệnh nổi mề đay mẩn ngứa. Hy vọng những kiến thức hữu ích này sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe tốt hơn, bảo vệ làn da luôn khỏe mạnh và tránh xa bệnh tật.

Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/nguyen-nhan-gay-me-day-man-ngua-va-cach-dieu-tri-hieu-qua-s195-n18345

 

Tin tức liên quan
Đặt lịch khám