Hotline: 0969771256

Vượt qua vảy nến: Hiểu rõ bệnh lý và biện pháp phòng ngừa

Ngày 06 Tháng 07 Năm 2024

Vảy nến, căn bệnh da liễu quen thuộc với những mảng da bong tróc, tuy không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe nhưng lại âm thầm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tinh thần người bệnh. Hiểu rõ về vảy nến là bước đệm quan trọng để hỗ trợ điều trị căn bệnh này. 

Vảy nến là gì? 

Vảy nến là các mảng da bong tróc tạo thành vảy. Vị trí tổn thương có màu hồng hoặc đỏ, thậm chí màu tím hoặc nâu sẫm; riêng vảy có thể màu xám, màu trắng hoặc bạc. Những mảng này có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thường gặp ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu và lưng dưới. 

vảy nến

Phân loại bệnh vảy nến 

Bệnh vảy nến bao gồm 5 loại: Vảy nến thể mảng, vảy nến thể giọt, vảy nến thể mủ, vảy nến thể đảo ngược, vảy nến thể đỏ da toàn thân. 

Vảy nến thể mảng

Vảy nến thể mảng là một trong những dạng phổ biến nhất của bệnh vảy nến. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các mảng da đỏ, viêm, được bao phủ bởi các lớp vảy hoặc mảng bám có màu bạc trắng. Những mảng da này thường xuất hiện ở những vị trí dễ bị tì đè như đầu gối, khuỷu tay, da đầu.

Vảy nến thể giọt

Bệnh vảy nến thể giọt thể hiện qua những nốt hồng nhỏ li ti trên da, thường xuất hiện ở phần thân, cánh tay và chân. Khác với vảy nến thể mảng, những nốt hồng này thường ít dày và không nhô cao khỏi bề mặt da.

Vảy nến thể mủ

Vảy nến thể mủ, thường gặp ở người trưởng thành, gây viêm da và hình thành các bọc mủ trắng. Khác với các dạng vảy nến khác, tổn thương do vảy nến thể mủ thường tập trung ở những vùng da nhỏ hơn như bàn tay, bàn chân, nhưng cũng có thể lan rộng ra các khu vực khác.

Vảy nến thể đảo ngược

Vảy nến thể đảo ngược gây ra các mảng da viêm nhiễm có màu đỏ sáng, óng ánh. Những tổn thương này thường xuất hiện ở các vùng như nách, ngực, háng hoặc xung quanh các nếp da gấp của bộ phận sinh dục.

Vảy nến thể đỏ da toàn thân

Dạng vảy nến này khiến da người bệnh ửng đỏ như bị cháy nắng, xuất hiện các mảng vảy lớn bong tróc. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân có thể gặp sốt cao và ốm nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu này, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân bị vảy nến 

Nguyên nhân gây ra bệnh vảy nến vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, trải qua nhiều thập kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học đã có kết luận chung về hai yếu tố chính: di truyền và hệ thống miễn dịch.

Yếu tố di truyền 

Bệnh vảy nến có thể di truyền, tuy nhiên tỷ lệ này chỉ chiếm một phần nhỏ. Đặc biệt, bệnh có xu hướng di truyền "bỏ qua" một thế hệ, ví dụ như ông nội bị bệnh thì cháu trai có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nhìn chung, nếu có thành viên trong gia đình mắc bệnh vẩy nến, bạn sẽ có nguy cơ cao hơn so với người bình thường.

Hệ thống miễn dịch

Bệnh vảy nến vốn là một căn bệnh tự miễn dịch, liên quan đến sự " nhầm lẫn" của hệ miễn dịch trong cơ thể. Khác với vai trò bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn gây hại, hệ miễn dịch của người bệnh vảy nến lại nhầm tưởng các tế bào da khỏe mạnh là kẻ thù và tấn công chúng.

Cụ thể, các tế bào bạch cầu lympho T đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt vi khuẩn lại "tấn công nhầm" vào tế bào da. Hậu quả là quá trình sản sinh tế bào da bị đẩy nhanh, chỉ trong 3 - 4 ngày thay vì 10 - 30 ngày như bình thường. Lớp da cũ chưa kịp bong tróc đã bị thay thế bởi lớp da mới, dẫn đến sự tích tụ da thừa, tạo thành các vảy trắng bạc trên da.

Thêm vào đó, "cuộc tấn công" của tế bào lympho T còn khiến da bị viêm, gây ra hiện tượng mẩn đỏ, ngứa ngáy và khó chịu.

Biểu hiện của vảy nến 

Bệnh vảy nến thường trải qua những giai đoạn âm ỉ với triệu chứng nhẹ, sau đó là những đợt bùng phát dữ dội hơn.

Dấu hiệu nhận biết bệnh bao gồm:

- Phát ban: Xuất hiện các mảng da loang lổ với nhiều hình dạng khác nhau, từ những nốt vảy nhỏ li ti như gàu đến những mảng lớn lan rộng khắp cơ thể.

- Màu sắc: Tùy thuộc vào màu da, ban vảy nến có thể có màu đỏ, hồng với vảy bạc (người da trắng), hoặc tím (người da nâu hoặc da đen).

- Da khô: Vùng da bị vảy nến thường khô rát, nứt nẻ, thậm chí chảy máu.

- Cảm giác khó chịu: Bệnh có thể gây ngứa, rát hoặc đau nhức tại các khu vực bị tổn thương.

- Tính chu kỳ: Phát ban vảy nến thường bùng phát theo chu kỳ, kéo dài vài tuần hoặc vài tháng, sau đó thuyên giảm và tái phát trở lại.

Bệnh vảy nến có lây không?

Nhiều người băn khoăn liệu bệnh vảy nến có khả năng lây lan hay không. Câu trả lời là không. Bệnh vảy nến xuất phát từ rối loạn hệ miễn dịch, do đó không thể truyền nhiễm từ người này sang người khác. Hầu hết các trường hợp vảy nến chỉ biểu hiện tổn thương da nhẹ và có thể điều trị hiệu quả bằng các liệu pháp bôi ngoài da.

Cách điều trị vảy nến 

Cũng như nhiều bệnh lý mãn tính khác, vảy nến là bệnh da liễu dai dẳng đòi hỏi điều trị lâu dài để kiểm soát hiệu quả. 

Điều trị vảy nến bằng y học hiện đại 

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ da liễu sẽ ưu tiên phương pháp điều trị tại chỗ bằng các loại thuốc bôi như kem, thuốc mỡ, dưỡng chất tương tự vitamin D hoặc corticosteroid.

Nếu các biện pháp tại chỗ không mang lại hiệu quả hoặc tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp quang học, sử dụng tia cực tím liều cao để tác động lên các mảng da vảy nến.

Đối với những trường hợp bệnh vảy nến nặng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị trước đó, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc toàn thân dạng uống hoặc tiêm, tác động lên toàn bộ cơ thể.

Điều trị vảy nến bằng Đông y 

Dưới đây là một số bài thuốc chữa vảy nến bằng Đông y mà bạn có thể tham khảo: 

Bài 1: Thể huyết nhiệt phong táo

Trường hợp dùng: Phần da bị tổn thương mẩn đỏ, những nốt sần trên da xuất hiện liên tục, vùng da bị tổn thương lớn dần. Ngứa nhiều, gãi vào bong ra thứ "vẩy nến" mỏng, trắng hồng, trên da có những điểm xuất huyết; kèm theo các triệu chứng như bồn chồn, miệng khát, đại tiện phân khô, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền hoạt hoặc sác.

Nguyên liệu: Cỏ nhọ nồi 20g, sinh địa 20g, kim ngân 12g, thổ phục linh 20g, ké đầu ngựa (sao vàng) 12g, kinh giới 8g, cam thảo 4g.

Cách dùng: Các vị thuốc sắc với 900ml nước, còn 600ml; chia 3 phần, uống trong ngày, uống lúc đói bụng.

Bài 2: Thể huyết hư phong táo

Trường hợp: Phần da bị tổn thương sắc nhợt, lượng vảy bong ra nhiều, kèm theo các triệu chứng khó ngủ, rối loạn nhịp tim, đau đầu, khô miệng, táo bón, chất lưỡi đỏ nhạt, rêu lưỡi trắng. Dạng này thường thấy ở những người bị bệnh lâu ngày không khỏi.

Nguyên liệu: Sinh địa 20g, huyền sâm 12g, mạch môn 12g, hà thủ ô 12g, kim ngân 12g, vỏ đậu đen 8g, vừng đen 12g, cam thảo 4g

Cách dùng: Các vị thuốc sắc với 900ml nước, còn 600ml; chia 3 phần, uống trong ngày, uống lúc đói bụng.

Bài 3: Thể huyết ứ thấp trệ

Trường hợp dùng: Những chỗ da bị tổn thương dày cộm lên, đỏ thẫm, bệnh dai dẳng, chất lưỡi đỏ tía hoặc có điểm ứ huyết, mạch sáp hoặc tế hoãn.

Nguyên liệu: Đương quy 12g, xuyên khung 6g, kê huyết đằng 12g, thổ phục linh 20g, ích mẫu thảo 12g, hổ trượng căn (cốt khí củ) 8g, kinh giới 12g, bạch cương tàm 12g, cam thảo 4g. 

Cách dùng: Các vị thuốc sắc với 800ml nước, còn 400ml; chia 2 phần, uống vào buổi sáng và chiều lúc đói bụng.

Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất về bệnh vảy nến. Từ đó, giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này và có cách chăm sóc da phù hợp để sở hữu làn da khỏe mạnh và tự tin.

Nguồn sưu tầm 

 

Tin tức liên quan
Đặt lịch khám