Theo Lãn Ông phương châm xử thế của người thầy thuốc là:
“Quên mình cứu chữa người ta, ngoài ra tất cả chỉ là mây trôi”.
Lê Hữu Trác sinh ngày 12/11 năm Canh tý (tức ngày 11/12/1720) qua đời rằm tháng giêng năm Canh Hợi (1791) thọ 71 tuổi. Nguyên quán ở thôn Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là Liêu Xá, Mỹ Văn, Hải Hưng)
Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác
Lãn Ông sinh ra và sống trong một thời đại có tình hình chính trị không ổn định, cả nước chia ra Đàng ngoài và Đàng trong với nhiều cuộc nổi dậy và nạn trộm cướp, cường hào rất hỗn loạn, phe phái này chèn ép phe phái khác, người ngay thì chết oan. Cùng với nhiều si phu ko tham gia chính cuộc, rút lui về vùng thôn dã ở ẩn, Ông đã thổ lộ tâm trạng “cái chí bon chen trong trường danh lợi mình đã vứt bỏ từ lâu” và Ông đã tìm hướng đi trong dịp dưỡng bệnh tại Rú Thành, vào hồi hơn 30 tuổi: “Nghề y thiết thực ích lợi cho mình, giúp đỡ được mọi người”. Đó là một hướng đi tích cực, đúng đắn, thiết thực cao quí. Hướng đi ấy có tính chất lý tưởng hóa bản tính và chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ông từ đó về sau. Chí hướng đó đã trở thành quyết tâm lớn: “Tôi đã hiến thân cho nghề thuốc nên lúc nào cũng muốn làm hết sức mình trước thuật cho nhiều để dựng cờ hồng trong ngành y”
Lãn Ông nhiều lần nhấn mạnh “Nghề thuốc là một nghề thanh cao, là một nghề có lòng nhân…” Từ đó mà các mặt đạo đức, trách nhiệm, động cơ, thái độ, tác phong, nghiệp vụ… của ông đều đạt tới một tầm cao đặc biệt.
Ông nói: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng người ta, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người, làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công”
Lãn Ông thể hiện rất rõ tính nhân đạo trong từng khâu của nghiệp vụ: chẩn đoán, suy luận, điều trị, dùng thuốc…Ông không nề hà khó nhọc, dù đêm hôm, dù đang ốm yếu, dù đường xa, qua núi rừng…,ông thăm khám trực tiếp chu đáo rồi mới ra đơn, kể cả trường hợp bệnh có thể lây lan hoặc bệnh dễ như ghẻ lở. Đáng dùng thuốc gì ông dùng thuốc đó dù là thứ đắt tiền, dù biết rõ bệnh nhân sau này không có khả năng trả. Có trường hợp bệnh nhân khỏe rồi, nhưng nghèo không có gì để sinh sống, ông còn chu cấp thêm cho tiền gạo. Ông nói: “Phần mình phải hết sức suy nghĩ, đem hết khả năng để làm kế tìm cái sống trong cái chết cho người ta.
Đối với thầy thuốc “cái bệnh” là đối tượng số một. Bệnh nguy cần chữa trước, bệnh chưa nguy có thể để chậm lại sau, tùy trường hợp mà giải quyết kịp thời và chu đáo. Do xác định được đối tượng số một đó mà Lãn Ông đặt sang bên những điểm khác như giàu nghèo, quyền uy, định kiến, sở thích, thuật số…
Lãn Ông muốn: “thâu tóm hàng trăm cuốn sách, đúc thành một pho để tiện xem, tiện đọc…”Sách thuốc như rừng, lời bàn lắm ngả, yêu cầu có một bộ sách tóm gọn là một yêu cầu về học thuật của thời đại. Sách của ông viết xong đến đâu đã có người chép tay truyền nhau.
Điểm đặc biệt trong việc soạn sách là Lãn Ông đã xác định được quan điểm sau: “Tôi nghĩ việc trước thư lập ngôn không phải dễ. Ngạn ngữ có câu: “cho thuốc không bằng cho phương”, vì thuốc chỉ cứu được một người, cho phương thì giúp đỡ người ta vô tận. Nhưng nghĩ cho kỹ, nếu trong phương có một vị không đúng thì hàng trăm nhà chịu tai hại. Huống chi viết lên sách, mỗi lời nói đều thành khuôn phép nhất định khó mà thay đổi được, nhỡ trong câu có điều sai lầm thì tai hại còn lớn hơn những bài thuốc nhiều”. Kê đơn chữa bệnh nếu có chỗ sơ xuất, chỉ chết một người bệnh đó và thầy thuốc có thể rút kinh nghiệm tránh cho lần khác. Khi giảng dạy thầy nói có điều sai, một số người nghe sau về chữa bệnh gặp điều sai đó cũng sẽ rút kinh nghiệm, nhưng số người bị hại sẽ nhiều hơn. Còn như việc viết sách cho hàng ngàn, hàng vạn…người học thì tai hại sẽ vô cùng, điều tai hại ấy cũng dây dưa từ đời này qua đời khác. Viết sách quan hệ như vậy, không thận trọng sao được.
Với tinh thần thận trọng như vậy, Lãn Ông còn đem hết tâm huyết của mình ra, “vắt hết ruột gan, moi tận đáy lòng”…rõ ràng tinh thần trách nhiệm xây dựng học thuật và ý thức phục vụ của ông thật là triệt để và cao cả.
Trong việc truyền thụ nghề nghiệp cho môn đệ, ông cũng rất chu đáo. Ông chủ trương dạy bằng nhiều lối để người học nắm vững được chuyên môn.
- Ông nêu cao tinh thần khổ học: “tìm hiểu sách vở của khắp các nhà, nghiên cứu ngày đêm, mỗi khi được một câu cách ngôn cảu hiền triết xưa thì ghi ngay tại chỗ biện luận kỹ càng, thức nhấp luôn luôn suy nghĩ. Phàm những chân lý ngoài lời nói, phần nhiều nảy ra trong lúc suy tưởng, nhân đó suy rộng ra, càng ngày càng tinh vi, như chiếc vòng không cùng tận…”
- Học tập có chọn lọc: hai chữ “tâm lĩnh”cũng đã nói lên cách học có chọn lọc của ông. Ý của ông muốn chắt lọc lấy những tinh hoa của các sách, những vốn quý của dân gian về y học để đưa vào một bộ sách tóm gọn để tiện xem, tiện đọc…” ví dụ như “Tâm đắc thần phương”
- Học tập có sáng tạo: Ông nghiên cứu sách xưa, nhưng có nhiều chỗ ông không rập khuôn hoàn toàn như xưa. Ông đóng góp những chỗ mới về lý thuyết, về phương thang.
- Học tập có phương pháp: đọc rộng, tham khảo nhiều, biết sắp xếp tóm gọn cho hệ thống thì mới tránh được bệnh tản mát, hoặc lộn xộn mâu thuẫn nhau. Ông nói: “học được rộng, biết được nhiều điều xa lạ mà quy hẹp lại cho thật đơn giản và sát đúng mới là đặc sắc trong y thuật”. Giữa học và hành, ông khuyên phải có sự “biến thông linh hoạt”.
- Học tập với tinh thần suy nghĩ độc lập
Ông thừa kế sách xưa một cách toàn tâm toàn ý. “Khi có chút thì giờ nhàn rỗi là nghiên cứu các sách thuốc xưa nay, luôn luôn phát huy biến hóa, thâm nhập được vào tâm, thấy rõ được ở mắt thì tự nhiên ứng vào việc làm mà không sai lầm”.
Với tinh thần và phương pháp học tập chịu khó, chọn lọc, có sáng tạo và suy nghĩ độc lập như trên, ông nắm vững học thuật và có sự xây dựng, đóng góp to lớn về các mặt.
Trong trước tác Lãn Ông cũng để lại những phong cách đối xử rất xác đáng, cần thiết cho một người thầy thuốc chân chính.
- Đối với mọi người nói chung: đối với người lớn tuổi thì mình phải kính trọng, người học giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng, người kém thì mình dìu dắt học học tập”. Ông luôn khiêm tốn, không hề tự cao tự đại, khoe khoang, luôn tranh thủ sự đồng tình của người khác để cầu học hoặc thu kết quả trong việc làm. Đối với bạn đồng nghiệp giúp đỡ lẫn nhau để cùng thống nhất nhận định, thống nhất cách điều trị sao cho tính mạng của bệnh nhân là trên hết.
- Đối với người bệnh: Ông tận tình cứu chữa, đối với bệnh gấp thì cứu bệnh như cứu hỏa, đối với bệnh nguy thì ông tìm hết cách để cứu vãn, cho đến khi âm dương ly thoát mới đành chịu thôi. Ông quan tâm nhiều đến người nghèo. Ông nói: “nhà giầu không thiếu gì thầy thuốc, còn nhà nghèo khó lòng rước được lương y, vậy cần lưu tâm cứu chữa cho những người này thì họ mới sống được”. Đối với phụ nữ, ông giữ nghiêm túc triệt để. Ông khuyên: “khi xem bệnh cho đàn bà, con gái, đàn bà góa, ni cô cần phải có người nhà ở bên cạnh mới bước vào phòng mà xem bệnh, để tránh hết sự nghi ngờ. Dù cho đến hạng người buôn son bán phấn cũng vậy, cũng phải đứng đắn, coi họ như con nhà tử tế, chớ nên đùa cợt mà mang tiếng bất chính, sẽ bị hậu quả về tà dâm”.
- Đối với việc nhận quà cáp: thông thường ai giúp mình một việc gì, thì mình cảm ơn người đó, huống hồ bệnh nặng, nguy, hoặc có thể chết được, người ta cứu cho thì ít nhiều mình có mang ơn. Nhưng những món quà không chính đáng có thể hạ thấp phẩm chất thầy thuốc, biến thầy thuốc thành kẻ phụ thuộc, người nô lệ của vật chất hoặc của quyền uy. Theo Lãn Ông “Nghề thuốc là thanh cao, ta càng phải giữ khí tiết cho trong sạch…”. “Khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp, vì người nhận quà hay sinh ra nể nang, huống chi đối với những kẻ giầu sang tính khí thất thường, mình cầu cạnh hay bị khinh rẻ…”
Nói chung, theo Lãn Ông phương châm xử thế của người thầy thuốc là: “Quên mình cứu chữa người ta, ngoài ra tất cả chỉ là mây trôi”.
phương châm chữa bệnh của người thầy thuốc
Mở bộ sách “Y tông tâm lĩnh” đã thấy bài “Y huấn cách ngôn” ở phần đầu, đủ hiểu ông chú trọng y đức đến mức rất cao. Trong các quyển sau nhất là trong quyển “Y âm án” ông nhấn mạnh nhiều lần “Nghề y là một nhân thuật”. Theo ông, “Nhân” là một đức tính cơ bản của người làm nghề y. Đức tính cơ bản ấy nên là điều kiện tiên quyết để vào nghề y: nếu không có lòng nhân, không biết quan tâm đến người khác thì nên đi kiếm sống bằng nghề khác ít đòi hỏi nhân đạo hơn. Ông nói: “tôi thường thấm thía rằng: thầy thuốc có nhiệm vụ bảo vệ mạng sống người ta; sự sống chết, điều họa phúc đều ở tay mình xoay chuyển, lẽ nào người có trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không khoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước nghề y”
Ông nói thêm người thầy thuốc chân chính cần có tám chữ: Nhân, minh, đức, trí, lượng, thành, khiêm, cần (biết quan tâm đến người khác, sáng suốt, đức độ, thông minh, rộng lượng, thành thật, khiêm tốn, chăm chỉ, chịu khó).
Đồng thời cũng cần tránh mắc tám tội: “Lười, keo, tham, dốt, ác, hẹp hòi, thất đức”:
- Lười: lẽ ra phải thăm khám cẩn thận rồi mới bốc thuốc, lại ngại đêm hôm, mưa gió, vất vả không chịu tự mình đến thăm, cứ cho thuốc qua loa, đó là tội Lười biếng.
- Keo: Thấy bệnh cần dùng thứ thuốc nào đó mới cứu chữa được, song thầy lo người bệnh không đủ sức trang trải mà cho vị rẻ tiền hơn (ảnh hưởng đến hiệu quả chữa bệnh). Đó là tội Keo kiệt.
- Tham: thấy bệnh đã có cơ nguy, nhưng thầy không bảo ngay cho gia đình biết sự thật, cứ ỡm ờ đến mãi để làm tiền. Đó là tội tham lam.
- Dối: Thấy chứng dễ lại nói dối là khó, nhăn mày, thè lưỡi, dọa người ta sợ khiếp để lấy được nhiều tiền. Đó là tội lừa dối.
- Dốt: nhận chứng thì lờ mờ, sức học thì nông cạn, thiên lệch, bốc thuốc thì công bổ lộn xộn. Đó là tội dốt nát.
- Ác: Đã thấy đó là chứng khó, lẽ ra phải nói thật cho người nhà biết rồi ra sức mà chữa, lại sợ mang tiếng là người không biết chữa, vừa ngại không thành công, không lấy được nhiều tiền, nên không chịu nhận chữa cứ để mặc người ta bó tay chịu chết. đó là tội bất nhận.
- Hẹp hòi: Có người thường ngày bất bình với mình, khi có bệnh phải nhờ cậy đến thì mình nẩy ý nghĩ trả thù, không chịu hết lòng ra sức trong lúc chữa bệnh. Đó là tội hẹp hòi.
- Thất đức: Thấy người mồ côi, góa bụa, gia đình hiền, hiếu nhưng mắc cảnh nghèo túng, thấy ngại uổng công [không được bao nhiêu tiền] mà không dốc sức giúp đỡ. Đó là tội thất đức.
Ông khẳng định nghề y liên quan chặt chẽ với đức độ của bản thân và của con cháu lâu dài. Ông nói: “Đạo làm thuốc là một học thuật cao quý để giữ gìn mạng sống, cũng là đầu mối lớn lao về đạo đức chân chính”. Qua nghề y, người ta có thể bồi đắp chữ “đức” được cao đầy, nếu người đó thực sự giúp ích nhiều cho người bệnh. Nhưng nếu người đó lợi dụng nghề y để hữu ý hoặc vô ý làm những điều có hại cho người khác thì cũng dễ mắc những điểm “thất đức” không nhỏ. Ông phàn nàn: “Than ôi đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn, không thể tha thứ được”. Có thể nói: “không có nghề nào nhân đạo bằng nghề y cứu sống người”, cũng có thể nói: “không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”.
Ông thường răn dậy học trò: “Làm thầy thuốc mà không có lòng thương chung (từ) giúp đỡ người khác (tế) làm hằng tâm, không nghiền ngẫm sâu sắc tìm cách cứu sống người mà chỉ chăm chăm kể lợi tính công, lấy của hại người thì còn khác gì bọn giặc cướp”.
Tóm lại, theo ông sau khi xác nhận nghề y là một nghề “Nhân đức”, người thầy thuốc luôn luôn phải suy nghĩ về bốn chữ “Từ, Tế, Hoạt, nhân” hằng ngày bồi đắp “Tám chữ xây” và chống lại “Tám tội”. Được như vậy mới khỏi thẹn với hai chữ “Nhân thuật”
Từ xưa tới nay y học cổ truyền vẫn giữ được những lý luận cơ bản, những khuôn phép chung, không có tình trạng học thuyết mới đảo lộn học thuyết cũ. Từ sau công nguyên lại nay, một số y gia ở từng thời đại, ở từng địa phương đã có phần đóng góp về kinh nghiệm y, dược, về luận thuyết này khác để làm phong phú sáng tỏ thêm nội dung của học thuật. Lãn Ông soạn “Y tông tâm lĩnh” muốn “đúng trăm sách thành một bộ” cũng đã tóm thâu những kiến thức y học cần thiết. Nhưng trong những phần chung, có thể thấy vài điểm đặc thù trong lập luận và nghiệp vụ: Ông làm thuốc theo lối “vương đạo” và thiên về “thủy hỏa”.
Về thuyết thủy hỏa, ông dành riêng một quyển chuyên luận gọi là “Huyền Tẫn phát vi”. Chỉ riêng trong quyển này cũng đã có hai lần ông nhấn mạnh tầm quan trọng của Thủy – Hỏa: “Nhà y mà không hiểu rõ chân tướng của tiên thiên thái cực, không nghiên cứu tác dụng thần hiệu của Thủy – Hỏa vô hình, không trọng dụng được những bài thuốc hay như Lục vị, Bát vị thì đạo làm thuốc còn thiếu sót đến hơn một nửa”. Ông nói: “Đại bệnh chữa Thủy – Hỏa, tiểu bệnh chữa Khí – Huyết”. Lãn Ông dùng hai bài Lục vị, Bát vị rất rộng rãi, biện luận nhiều chỗ, rốt cuộc quy vào Thủy – Hỏa. Ông cũng có chú trọng đến thuyết âm dương, đã có những luận điểm về điều hòa âm dương, bổ dương tiếp âm, bổ âm tiếp dương và sáng chế ra những bài thuốc tương ứng, song nổi lên vẫn là thuyết Thủy – Hỏa. Học tập và làm theo ông, trên lâm sàng, nhiều lương y cận đại cũng đã thu được nhiều hiệu quả thực tế, vô hình trung đã thành một học phái gọi là “Học phái Thủy – Hỏa”. Tất nhiên thời bấy giờ còn có lương y khác học và làm theo Trương Cảnh Nhạc, theo Trần Tu Viên mà thành những học phái khác như “Học phái Cảnh Nhạc”, “Học phái Tu Viên”. Trong nhân dân ta cũng có câu “Y học thì Thọ thế, cúng tế thì Thọ mai”. Có nghĩa là làm nghề y thì nên đọc quyển “Thọ thế bảo nguyên” của Cung Đình Hiền, việc cúng tế thì nên theo quyển “Thọ mai gia lễ”. Đó là mấy nét chung về các xu hướng học phái y học của nước ta trong thời kỳ cận đại. Như vậy, Thuyết Thủy – Hỏa cũng được nhiều người áp dụng.
Về loại bệnh ngoại cảm, ông cũng có những lập luận độc đáo. Ông sáng chế ra ba bài giải biểu: 1-Hòa Vinh bảo vê tán tà phương, 2-Điều khí thư uất phương, 3-Lương huyết tán tà phương. Ông cho rằng: “…phàm gặp loại chứng hậu cần phát tán chỉ dùng các bài chữa về khí huyết, thêm một vài vị có tính chất phát dương nhẹ nhàng… cũng có thể …giải tán bệnh tà…(ngoại cảm). Khí, huyết, vinh, vệ là một phần chính khí. Trong bệnh ngoại cảm ông vẫn chú trọng đến chính khí. Ông nói: “…lúc nào cũng phải để ý đến chính khí làm đầu. Cứ nhằm chữa chính khí dù không phát hãn mà hãn tự ra, không công tà mà tà tự rút”…Lập luận của ông nhất trí với kinh văn: “Sở dĩ tà khí bên ngoài xâm nhiễm gây hại được cho cơ thể là do chính khí vốn có ở bên trong đã có phần suy yếu rối loạn không thích ứng nổi”.
Đến thời kỳ cuối của bệnh ngoại cảm, ông vẫn chú trọng đến chính khí, đặc biệt là vẫn vận dụng thuyết Thủy – Hỏa. “…Đến khi tà đã lui, thời nên dùng những loại thuốc chính về Thủy – Hỏa để tiếp bổ thêm, không cần phải phân tích vụn vặt mà công hiệu rất mau chóng”. Ông sáng chế thêm sáu bài hòa lý nhằm bồi dưỡng tạng khí, Thủy – Hỏa, Khí – Huyết. Gia giảm lục vị địa hoàng thang – Gia giảm bát vị địa hoàng thang – Gia giảm Tứ vật thang – Gia giảm Tứ quân tử thang – Bổ tỳ âm phương – Bổ vị dương phương.
Như trên, rõ ràng là về bệnh ngoại cảm cũng như bệnh nội thương, ông đều chú ý đến bồi bổ chính khí. Chú trọng mặt bồi bổ trong khi chữa bệnh là đường lối của phái “Vương đạo”, khác với đường lối của phái “Bá đạo”, thiên về phép công tả. Trong đường lối chữa bệnh “Vương đạo” trong bệnh nội thương, cả trong loại bệnh ngoại cảm ông vẫn trọng dụng thuyết Thủy – Hỏa. Đó là hai đặc điểm nổi bật được Lãn Ông chủ trương và trình bày
Tuy nhiên bên cạnh những đặc điểm nói trên, cũng cần chú ý đến những điểm do điều kiện lịch sử hạn chế: Thầy, bạn, sách…Qua hai trăm năm, nhiều luân thuyết được phát huy, phát triển, một số quan điểm được xác minh, đề cập, nhiều vấn đề được nghiên cứu thêm, nhiều phương tiện, phương pháp được áp dụng rộng rãi. Do vậy, ở thời điểm ngày nay, người y học cổ truyền muốn có kiến thức toàn diện và phong phú cần chú ý thêm đến các vấn đề mới có sau này.
Khi học nghề y phải nên thấu suốt cả nho lý. Một khi đã thông lý đạo nho rồi, thì học y sẽ được dễ dàng hơn. Khi nhàn rỗi đem các sách của các bậc minh y cổ kim ra đọc luôn không rời tay, tìm hiểu từng nét cho sáng tỏ, rõ ràng, cho nhuần nhuyễn, nhạy bén. Lượm được vào lòng, sáng hiểu ở mặt nhận xét, tự nhiên khi làm sẽ cảm ứng ra tay mà không có sai lệch.
Nếu cùng một lúc có nhiều người nhà của bệnh nhân mời đi thăm bệnh, nên tùy mức bệnh nào gấp thì tới trước, bệnh nào hoãn thì tới sau, không nên coi trọng kẻ giàu sang mà tới trước, xem nhẹ kẻ nghèo hèn lại đến sau. Hoặc trong việc dùng thuốc lại còn phân biệt kẻ hơn người kém. Nếu lòng không thành thực thì khó công hiệu của sự cảm ứng
Khi thăm bệnh các phụ nữ hoặc ni cô, gái góa phải có người khác kềm bên cạnh rồi hãy vào buông bệnh, để ngăn ngừa sự ngờ vực, kể cả đối với những người kỹ nữ cũng phải giữ gìn lòng cho ngay thẳng, coi họ như con em trong gia đình nề nếp, không được chớp nhả chút nào để mang tai tiếng bất chính và mắc phải quả báo của sự tà dâm
Đã là thầy thuốc, nên nghĩ tới lợi ích cho người làm đầu, không nên tự ý cầu vui, mang rượu trèo non, chơi bời ngắm cảnh, nhở khi vắng mặt ở nhà, có người đến cầu cứu bệnh nguy cấp, thì phụ lòng trông mong của họ, lỡ nguy hại đến tính mệnh. Vậy cần phải biết nhiệm vụ của mình trong việc làm.
Khi gặp những chứng nguy cấp, ta muốn dốc sức cứu chữa là ý nghĩ tốt nhưng cần phải nói rõ ràng cho gia đình người bệnh biết sau đó mới cho uống thuốc; họ sẽ phải dốc tiền vào lo thuốc. Nếu thuốc có công hiệu người ta sẽ cám ơn, nếu như không công hiệu thì họ cũng không đem lòng ngờ vực, oán trách vào ta, mà ta cũng không hổ thẹn về việc đã làm. Về việc sắm sửa thuốc men, phải biết lựa chọn thuốc tốt giá cao. Về cách lập phương thì nên phỏng theo những ý tinh vi của các cổ triết, chớ nên tùy tiện cẩu thả phối hợp phương thuốc lạ để thử người. Thuốc thang, thuốc tán nên có sẵn, thuốc hoàn, thuốc đan nên chế sẵn, mới có thể kịp thời dùng cho tùy từng bệnh, để khi cần tới không bị bó tay.
Khi gặp những người cùng ngành nghề, rất nên khiêm tốn, hòa nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ, xem lờn. Đối với người cao tuổi thì nên cung kính. Đối với người có học thì phải tôn thờ như bậc thầy. Đối với kẻ kiêu ngạo thì nên nhún nhường. Đối với người còn non nớt thì nên dắt dìu. Giữ lòng phúc hậu như vậy là điều phúc lớn.
Khi thăm bệnh cho nhà nghèo túng và những người cô đơn quạnh lẻ càng phải nên đặc biệt chú ý. Bởi lẽ, kẻ giầu sang thì không thiếu gì người săn sóc, còn người nghèo hèn không đủ sức mời mọc người danh y, vậy thì ta ngại gì chẳng đem chút lòng thành thực để giúp người giành lại cuộc sống. Còn như những người con hiếu vợ hiền, vì nghèo quá mà sinh đau ốm, thì ngoài việc cho uống thuốc ra, còn nên tùy khả năng mình mà giúp đỡ thêm, bởi lẽ nếu có thuốc mà không có ăn thì cũng sẽ bị chết, phải lo cho họ sống chọn vẹn mới là nhân thuật. Đến như lũ du đãng tay chơi bời mà bị nghèo ốm thì cũng chẳng cần thương tiếc.
Sau khi người bệnh đã khỏi, chớ nên đòi lễ hậu. Bởi vì khi nhận biếu thường sinh ra nể sợ người ta; huống hồ kẻ giàu sang lại hay mừng giận bất thường. Hễ cầu vinh thường dễ bị nhục, làm vui long vừa ý người ta để mưu đồ lấy lợi nhiều thì lại càng có nhiều biến sinh không tốt. Cho nên đã tự nguyện theo đòi cái thuật thanh cao thì tự mình càng phải xây dựng cho mình cái khí tiết thanh cao
Phần tôi, nghe theo lời dạy bảo của người xưa, giữ lòng từ thiện, đức hiếu sinh được đầy đủ. Đạo y là một nhân thuật, chuyên lo cho tính mệnh con người, phải biết lo lắng cái lo của người, cùng vui với cái vui của người, chỉ lấy việc làm sống người làm phận sự của mình, không được mưu lợi, kể công. Tuy không có sự báo đáp thực cũng có được âm chất(để đức), ngạn ngữ có câu: “Ba đời làm nghề y, về sau sẽ có người làm khanh tướng”. Há chẳng phải do tự nghề đó mà vun trồng nên cái địa vị đó sao. Tôi thường thấy những thầy thuốc đời nay, hoặc nhân lúc cha mẹ người ta gặp cơn nguy kịch, sợ hãi, hoặc bắt bí người ta trong cơn mưa đêm tối khó khăn, gặp bệnh dễ thì trộ là bệnh khó, bệnh khó thì dọa là bệnh chết, dối lừa người để đạt sự mưu cầu của mình, là dã có sự dụng ý không tốt. Đối với kẻ giàu sang thì sốt sắng để mong lấy lợi, đối với người nghèo khó thì lạnh nhạt, thờ ơ với sự sống chết. Than ôi! Đổi nhân thuật thành chước dối lừa, thay lòng nhân đức ra lòng buôn bán, khiến người sống trách móc, người chết oán hờn, không thể tha thứ được.
Tôi đã cất nẻo công danh, vui tình mây nước. Người xưa nói: “Không làm được tướng giỏi cũng làm một ông thầy hay”. Cho nên mong muốn dốc hết sức vào cái việc đáng làm, nhấn sâu vào việc bác ái tế độ để làm nguyện vọng của lòng, ngõ hầu không hổ thện khi ngửa cổ nhìn trời, cúi nhìn đất. Song khi gặp bệnh coi chừng không cứu được thì đành chịu là tại mệnh trời, nếu còn có thể xoay sở được lại bó tay dửng dưng mặc bệnh diễn biến mà không chịu dốc sức, hết long, chỉ thở vắn than dài, không làm gì hết. Tần việt nhân nói: Coi trọng tiền tài, xem thường tính mệnh là điều bất trị thứ hai, ăn và mặc không đầy đủ là điều bất trị thứ ba…” , gặp phải những người như vậy, họ xem nhẹ mà ta lại coi trọng họ, họ không đủ ăn mặc mà ta lại lo cho chu đáo thì lo gì mà không cưu chữa được. Ôi! Thật khó lòng vẹn cả đôi đường hằng sản và hằng tâm, khả năng không theo được như ý muốn, cũng là điều thiếu sót quá nửa trong nhiệm vụ của y thuật.
Share: