Hotline: 0969771256

Chế biến thuốc cổ truyền là gì? Cơ chế như nào?

Ngày 21 Tháng 09 Năm 2023

Thuốc cổ truyền

Chế biến thuốc cổ truyền là gì?

- Thuật ngữ bào chế thuốc cổ truyền, bắt nguồn từ "bào trích". Bào trích có nguồn gốc từ chế biến thức ăn. Bào trích là gói thức ăn rồi đem nướng. Như vậy bào trích tức có hàm nghĩa là làm chín thức ăn của người cổ đại. Sau đó người cổ đại đã dùng lửa để bào chế thuốc. Do vậy việc bào trích được vận dụng từ thực tế cuộc sống mang tính tự nhiên và khách quan.

Từ "Bào trích" là thuật ngữ được dùng sớm nhất. Sau được đổi thành "Tu chế", "Tu sự" rồi bào chế, chế biến. Từ chế biến thuốc được dùng nhiều ở Việt Nam. Từ biến hàm ý là biến hoá vị thuốc thông qua bào chế, (tính vị, công năng...). Do đó:

- Chế biến thuốc cổ truyền là phương pháp tổng hợp của việc dùng lửa - nước, phụ liệu để làm cho vị thuốc từ trạng thái thiên nhiên trở thành trạng thái có thể sử dụng để phòng và trị bệnh cho con người.

Cơ chế của việc chế biến thuốc cổ truyền

 

Bắt nguồn từ thực tế của cuộc sống con người.

Con người có nhu cầu dùng thuốc thiên nhiên để phòng và trị bệnh. Với yêu cầu ban đầu rất tự nhiên là uống được và dễ uống, có nghĩa là tránh được các mùi vị khó chịu, uống không bị độc, uống khỏi bệnh.

Dựa vào lý thuyết y học cổ truyền.

Thuyết âm dương:

Xuất phát từ nguyên lý cân bằng âm dương trong cơ thể; đỏ là cân bằng sự hoạt động của tạng phủ, cân bằng quá trình khí hóa trong cơ thể...

+ Chế biến làm tăng tính âm của thuốc ví dụ trạch tả trích muối, nga thuật nấu với giấm...

+ Chế biến làm giảm tính âm của thuốc, sinh địa vị đắng tính hàn thuộc âm, khi sao khô hoặc chế thành thục địa sẽ làm giảm tính âm của nó.

+ Chế biến làm tăng tính dương của thuốc ví dụ: nhân sâm, đảng sâm tính ôn (thuộc dương) có thể trích gừng để tăng tính dương, tăng công năng bổ khí của thuốc.

+ Chế biến làm giảm tính dương của thuốc. Sinh phụ tử đại nhiệt, đại độc; tính dương rất mạnh. Khi ngâm với dung dịch muối ăn hoặc dung dịch đảm ba (clorid magiê) tính độc, tính nhiệt của phụ tử giảm đi, có thể dùng để uống.

Thuyết Ngũ hành:

Quy nạp màu sắc mùi vị của thuốc vào từng hành. Trước hết thấy rằng, từng hành phải thể hiện màu sắc thiên nhiên rõ rệt nhất của nó. Ví dụ: Hành mộc thể hiện màu xanh của cây cỏ. Hành hoả thể hiện màu đỏ của lửa; Hành thuỷ thể hiện màu đen của mặt nước; Hành thổ thể hiện màu vàng của đất. Hành kim thể hiện màu trắng của ánh kim. Đồng thời, người ta xếp đặt các tạng phủ vào các hành tương ứng đảm bảo với quy luật tương sinh tương khắc ngũ hành.

Ví dụ: Tạng can phủ đởm được xếp vào hành mộc.

Tạng tâm phủ tiểu tràng được xếp vào hành hoả 

Tạng tỳ phủ vị được xếp vào hành thổ

Tạng phế phủ đại tràng được xếp vào hành kim 

Tạng thận phủ bàng quang được xếp vào hành thủy

Từ đó xuất hiện việc quy kinh thuốc (quy nạp khí vị của thuốc) vào từng tạng phủ, dựa theo màu sắc, mùi vị của thuốc phù hợp với ngũ hành. Ví dụ những vị thuốc có màu xanh, vị chua, quy vào hành mộc, tạng can phủ đởm. Những vị thuốc có màu đỏ, vị đắng quy vào tạng tâm, phu tiểu tràng. Những vị thuốc có màu vàng, vị ngọt quy vào tạng tỳ, phủ vị. Những vị thuốc có màu trắng vị cay quy vào hành kim tạng phế, phủ đại tràng. Những vị thuốc có màu đen vị mặn quy vào hành thuỷ tạng thận, phủ bàng quang.

Từ đó việc chế biến thuốc cũng tuân theo quy luật ngũ hành, tức là muốn cho vị thuốc tăng khả năng quy vào kinh can đởm, vị thuốc phải chế với phụ liệu có màu xanh như mật bò, mật lợn; thiên nam tinh chế với mật lợn thành đởm nam tinh (lúc này có màu xanh). Muốn có vị chua, chế với giấm (nga truật chế giấm, hương phụ chế giấm...). Theo cách lý giải tương tự, người ta tẩm bột chu sa, thần sa (có màu đỏ) vào vị thuốc xương bồ để tăng quy kinh tâm. Tẩm bạch truật, hoàng kỳ với mật ong để có màu vàng vị ngọt, hoặc bạch truật, thương truật tẩm hoàng thổ... để tăng quy kinh tỳ vị... vỏ rễ dâu, cạo sạch lớp bần để trắng ra tức là "bạch" ta có vị tang bạch bì để tăng quy kinh phế. cẩu tích, ba kích tẩm muối, trắc bách diệp, ngải diệp sao đen, tăng quy kinh thận...

Nguồn: Phương pháp chế biến thuốc cổ truyền

Tin tức liên quan
Đặt lịch khám