Là những yếu tố thời tiết và khí hậu bất thường. Có 6 loại tà khí: Phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa (còn gọi là lục dâm, lục tà).
1. Phong
Là dương tà, có hai loại:
- Ngoại phong là chủ khí của mùa xuân, là nguyên nhân hay gặp nhất và thường kết hợp với các ngoại tà khác như hàn, nhiệt, thấp thành phong hàn, phong nhiệt, phong thấp.
- Nội phong là do công năng của tạng can bất thường sinh ra (can phong nội động).
1.1. Đặc tính của phong
- Là dương tà hay đi lên và ra ngoài nên thường gây bệnh ở phần trên (đầu, mặt) và phần ngoài cơ thể (cơ, biểu).
- Xuất hiện theo mùa, đột ngột, phát bệnh nhanh và lui bệnh nhanh.
- Bệnh thường di chuyển từ nơi này qua nơi khác như thấp khớp cấp (phong thấp nhiệt) hoặc mày đay mẩn ngứa (phong chẩn).
- Gây hắt hơi, sổ mũi, sợ gió, mẩn ngứa, co giật, mạch phù.
1.2. Kết hợp với ngoại tà khác
- Phong hàn: Các bệnh cảm mạo do lạnh, ngạt mũi, chảy nước mũi, sợ lạnh, sợ gió, mạch phù, đau co cứng cơ, đau thần kinh ngoại biên.
- Phong nhiệt: Các bệnh cảm mạo có sốt, viêm đường hô hấp trên ở giai đoạn đầu của các bệnh truyền nhiễm: sốt, sợ gió, không sợ lạnh, họng đỏ đau, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch phù sác.
- Phong thấp: Như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, chàm, phù dị ứng, đau dây thần kinh ngoại biên.
2. Hàn
- Là âm tà thường làm tổn hại dương khí (sức nóng cơ thể), hàn có hai loại:
+ Ngoại hàn do lạnh: là chủ khí của mùa đông, gây bệnh cho cơ thể ở hai mức độ là thương hàn cơ biểu và trúng hàn tạng phủ.
+ Nội hàn là do dương khí cơ thể suy kém.
2.1. Đặc tính của hàn
- Thường gây đau, điểm đau không di chuyển, chườm nóng hết đau: viêm đại tràng do lạnh, thống kinh, ỉa chảy.
- Thường gây ứ trệ, co cứng, mồ hôi không ra được: đau vai gáy, đau lưng, chuột rút, cảm mạo do lạnh.
- Người bệnh cảm thấy sợ lạnh, thích ấm nóng.
2.2. Kết hợp ngoại tà khác
- Phong hàn (đã nói ở mục phong).
- Hàn thấp: đau bụng, đầy bụng nôn mửa hoặc ỉa chảy do lạnh.
3. Thử
Là dương tà, là nắng chủ khí mùa hè, thường làm tổn thương tân dịch.
3.1. Đặc tính của thử
- Hay gây sốt cao, khát nước, vật vã, mạch hồng, ra mồ hôi trộm, mất nước và điện giải.
- Mức độ nặng gây ngất, hôn mê (trúng thử), trụy mạch.
3.2. Kết hợp ngoại tà khác
- Thử nhiệt: Bệnh gây sốt cao ở mùa hè, ra nhiều mồ hôi, khát... nhẹ gọi là thương thử, nặng gọi là trúng thử.
- Thử thấp: Rối loạn tiêu hóa, ỉa chảy về mùa hạ, hội chứng lỵ, ỉa chảy nhiễm trùng...
4. Thấp
Ngoại thấp là độ ẩm thấp, là âm tà, chủ khí cuối hạ, mùa mưa lũ. Nội thấp là do tỳ hư nên tân dịch vận hóa giảm ứ lại gây thấp.
4.1. Đặc tính của thấp
- Thường gây bệnh từ nửa người dưới, bệnh dai dẳng.
- Gây cảm giác nặng nề cử động khó, đau nhiều về buổi sáng hoặc nghỉ ngơi không vận động.
- Phù, bí tiểu tiện, ra mồ hôi, lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng, dày, nhớt dính.
4.2. Kết hợp ngoại tà khác
- Phong thấp (đã nói ở mục phong).
- Thấp nhiệt: các bệnh viêm nhiễm đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục, khớp, bệnh ngoài da.
- Thử thấp (đã nói ở mục thử).
- Thấp chẩn: chàm, tổ đỉa, eczema loét, chảy nước nhiều.
- Hàn thấp (đã nói ở mục hàn).
5. Táo
Táo là sự khô hanh, là dương tà. Táo có hai loại:
- Ngoại táo: là chủ khí mùa thu, thường tổn thương tân dịch, xâm nhập từ mũi, miệng, phế, vệ khí, ...
- Nội táo là do tân dịch, khí huyết bị giảm sút gây ra bệnh.
5.1. Đặc tính của táo
- Gây tổn thương chức năng tạng phế: mũi, miệng, họng, họng khô, da nứt nẻ, táo bón, tiểu sẻn, ho khan, ít đờm, đờm đặc.
- Gây sốt cao, không mồ hôi, khát, thích uống nước, tâm phiền, đầu lưỡi đỏ, gây mất tân dịch, điện giải dễ gây nhiễm độc thần kinh.
5.2. Kết hợp ngoại tà khác
- Táo nhiệt: những bệnh sốt cao về mùa thu như sốt xuất huyết, viêm não.
- Lương táo: là chứng cảm mạo do lạnh về mùa thu: sốt, sợ lạnh, đau đầu, họng khô, ho ít đờm.
6. Hỏa
Thường gọi là nhiệt (thực ra hỏa là mức cao của nhiệt) là dương tà, chủ khí mùa hạ. Các ngoại tà khác như phong hàn, thấp, táo khi vào cơ thể đều có khả năng chuyển hóa thành hỏa.
6.1. Đặc tính của hỏa
- Gây sốt cao, viêm nhiệt, sợ nóng, thích mát, ra nhiều mồ hôi, khát nước, mắt đỏ, mặt đỏ.
- Gây chảy máu: do nhiệt làm tổn thương mạch lạc gây chảy máu cam, nôn ra máu, đại tiện ra máu, tiểu tiện ra máu...
- Ban chẩn, bệnh truyền nhiễm.
- Hỏa hay thiêu đốt tân dịch: khát nước, miệng họng khô, lưỡi khô, táo bón, ... nặng gây mê sảng, phát cuồng, ...
6.2. Kết hợp ngoại tà khác
- Hỏa nhiệt độc gây các bệnh như: mụn nhọt, viêm phổi, các bệnh truyền nhiễm ở thời kỳ toàn phát có thể có biến chứng mất nước, nhiễm độc thần kinh, chảy máu, mắt đỏ, đại tiện táo, tiểu tiện xẻn đỏ, rêu lưỡi vàng dầy, mạch nhanh có thể gây hôn mê.
- Thấp nhiệt (đã trình bày ở mục trên).
- Phong nhiệt (đã trình bày ở mục trên).
- Thử nhiệt (đã trình bày ở mục trên).
6.3. Chứng hư nhiệt, chứng âm hư
Do âm hư sinh nội nhiệt
- Sốt không cao thường về chiều, về đêm.
- Môi đỏ, gò má đỏ, mạch nhỏ, nhanh.
- Lòng bàn tay, bàn chân và ngực nóng (ngũ tâm phiền phiệt).
- Bứt rứt, cồn cào, khát nước, tiểu sẻn, táo bón.
- Mồ hôi trộm, nhức trong xương, ho khan, họng khô.
Là những nguyên nhân do hoạt động tinh thần, do quan hệ gia đình, xã hội. Có 7 loại tình chí sau đây:
- Vui mừng (hỉ): thuộc tạng tâm
- Giận giữ (nộ): thuộc tạng can
- Buồn phiền (bi): thuộc tạng phế
- Lo lắng (ưu): thuộc dạng tỳ
- Suy nghĩ (tư): thuộc dạng tỳ
- Sợ sệt (kinh): thuộc tạng thận
- Hốt hoảng (khủng): thuộc tạng thận
Bảy thứ tình chí bị kích động hay gây sang chấn tinh thần, mất thăng bằng âm dương, khí huyết, tạng phủ, kinh lạc làm ảnh hưởng đến công năng của chúng đặc biệt là hay gây ra bệnh cho ba tạng tâm, can, tỳ.
1. Nguyên nhân do ăn uống
- Ăn nhiều quá gây rối loạn tiêu hóa (thực tích).
- Ăn thiếu dẫn đến âm hư, huyết hư, suy nhược.
- Ăn nhiều thức ăn béo, ngọt dễ sinh nhiệt, sinh thấp.
- Ăn thức ăn sống, lạnh, ôi thiu, nhiễm khuẩn gây tổn thương tỳ vị.
2. Nguyên nhân do lao động
- Ít hoặc không hoạt động, khí huyết khó lưu thông, dễ sinh bệnh.
- Lao động quá mức, kéo dài tổn hao sức lực sinh lao lực.
- Lao động không an toàn gây chấn thương, bệnh tật.
3. Nguyên nhân tình dục
Y học cổ truyền coi tình dục có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cũng là một nguồn gây bệnh tật.
Hiếu sắc hại tâm
Đa dâm hại thận
4. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác
- Bẩm sinh (tiên thiên bất túc).
- Côn trùng, thú dữ cắn.
- Tai nạn trong sinh hoạt.
Nguồn: Giáo Trình Y học cổ truyền
Share: