Hotline: 0969771256

Phụ liệu thường dùng trong chế biến thuốc cổ truyền

Ngày 07 Tháng 09 Năm 2023

Chế biến thuốc cổ truyền

Những phụ liệu thường được dùng như: Giấm ăn, nước vo gạo, muối, gừng, bồ kết, sữa, cám, nước đậu đen, trúc lịch, hoàng thổ v.v...

Dùng giấm làm phụ liệu.

Với ý nghĩa là đưa thêm vị chua (vị của acid acetic trong giấm) vào thuốc với mục đích tăng sự quy kinh Can đởm cho vị thuốc vì theo thuyết ngũ hành chua nhập can. Trên thực tế, đưa giấm vào vị thuốc tức là acid hóa một số hợp chất hóa học trong vị thuốc, biến nó thành muối dễ tan trong nước, thuận tiện cho việc chiết rút chúng ra khỏi vị thuốc (huyền hồ, nga thuật tẩm giấm).

Dùng gừng làm phụ liệu.

Tẩm gừng vào vị thuốc: Với mục đích làm ẩm vị thuốc, làm cho vị thuốc chủ thăng chủ tán; tức đưa khí vị của thuốc lên thượng tiêu hoặc ra phần biểu, thực chất gừng có nhiều tinh dầu có vị thơm cay, có tác dụng giãn mạch; do đó có tác dụng ấm, hơn nữa lại có tác dụng chỉ ho. Vì vậy vị thuốc tẩm gừng cũng hay được dùng để bổ khí bổ phế. Ví dụ sa sâm, đảng sâm, cát cánh tẩm gừng. Ngoài ra gừng còn có ý nghĩa giải độc nên nó là nguyên liệu thường được dùng nhiều trong chế biến các vị thuốc khác.

Dùng muối làm phụ liệu.

Với mục đích tăng sự dẫn thuốc vào kinh thận, làm cho vị thuốc tác dụng mạnh hơn đối với thận, bàng quang, ta biết rằng các ion Cl trong muối ăn (NaCl) có tác dụng tăng tiết nước tiểu. Do vậy người ta thường dùng muối ăn với lượng chừng 5% so với dược liệu để tẩm trích. Ví dụ cẩu tích, đỗ trọng, trạch tả trích muối. Ngoài ra muối còn tác dụng giải độc, và làm mềm khối u rắn.

Dùng hoàng thổ làm phụ liệu.

Cũng nhằm mục đích tăng sự quy kinh của thuốc vào kinh tỳ vị, vì hoàng thổ có màu vàng, (vàng nhập tỳ). Ví dụ bạch truật, nam truật tẩm hoàng thổ. Thật vậy, trong hoàng thổ có chứa các muối của nhôm (AI); ta biết rằng các muối kép của nhôm có tác dụng tốt lên niêm mạc của dạ dày khi bị loét (ngày nay tân dược đã có nhiều chế phẩm trong thành phần có muối của nhôm để chữa đau dạ dày).

Dùng mật ong hoặc đường làm phụ liệu.

Cùng với lý do vị ngọt quy kinh tỳ, hoàng kỳ, cam thảo tẩm mật ong cùng với lý do đó trên thực tế mật ong có chứa các thành phần đường khử glucose, fructose, có tác dụng bổ; mật ong lại có tác dụng kháng sinh tốt, làm lành các vết sẹo; do đó đối với tỳ vị nói riêng và toàn cơ thể nói chung nó là một vị thuốc tốt.

Dùng nước cam thảo tẩm dược liệu.

Cùng với mục đích tăng vị ngọt để thuốc tăng quy kinh tỳ, đồng thời còn có ý nghĩa giải các chất độc. Trên thực tế người ta đã chứng minh glycyrrhizin một thành phần trong cam thảo có tác dụng giải độc tốt vì bán thân nó sau khi uống vào cơ thể sẽ tạo thành acid glucuronic, acid này có khả năng kết hợp với chất độc, do đó có tác dụng giải độc.

Dùng rượu làm phụ liệu.

Với ý nghĩa tăng tính ấm cho vị thuốc, làm khí vị của thuốc đi lên trên thượng tiêu. Ví dụ nhân sâm, đảng sâm, hoàng liên trích rượu. Trên thực tế rượu là một dung môi hữu cơ, dễ tan các thành phần hóa học trong thuốc. Tẩm rượu có ý nghĩa làm tan các hoạt chất trong thuốc vào rượu, chiết chúng ra khỏi tế bào. Do vậy khi bào chế dễ dàng thu được hàm lượng cao của hoạt chất.

Dùng đồng tiện làm phụ liệu.

Với mục đích tăng tính âm cho vị thuốc. Trên thực tế trong đồng tiện chứa rất nhiều các thành phần khác nhau; có các thành phần muối, thành phần hormon, vitamin v.v... Do đó chừng mực nào bổ sung thêm một số chất, làm vị thuốc bớt tính háo, lại có lợi cho chức năng của thận (phần nội tiết). Ví dụ hương phụ trích đồng điện...

Dùng nước đậu đen làm phụ liệu.

Với mục đích giảm tính háo của vị thuốc; tăng tính nhuận, tính bổ cho vị thuốc, trên thực tế ta thấy vỏ đậu đen có chứa nhiều các hợp chất anthoxian, hợp chất này có tác dụng chống oxy hóa, tác dụng thanh nhiệt tốt; Ví dụ hà thủ ô đỏ nấu với nước đậu đen, sau đó tẩm với nước đậu đen cho vị thuốc trở nên tím thẫm. Rõ ràng sau đó hà thủ ô đỏ đỡ chát và bùi đậm hơn. ,

Dùng phèn chua.

Để ngâm rửa thuốc khi chế với mục đích làm sạch, sạch nhớt, sạch chất ngứa; ví dụ khi gọt vỏ củ mài tươi, nhiều chất nhớt tiết ra, ngâm vào dung dịch phèn chua 5% chất nhớt sẽ se lại, dễ dàng xếp củ mài vào tủ sấy.

Dùng bồ kết trong chế biến thuốc.

Với mục đích tẩy trừ các chất độc, chất ngứa, ví dụ bán hạ ngâm với nước sắc bồ kết. Bồ kết chứa các hợp chất saponosid tritecpen, khi ngâm có tác dụng làm mềm vị thuốc; giảm sức căng bề mặt của thuốc, do đó các chất độc dễ bị loại đi. Khi chế với bồ kết, người ta thường kèm với một vài phụ liệu có tác dụng tẩy độc khác như phèn chua, vôi tôi...

Ví dụ ngâm bán hạ với nước sắc bồ kết, với vôi tôi.

Dùng vôi tôi để chế thuốc.

Với mục đích tẩy mùi hôi, tẩy thịt, tủy của xương động vật, tẩy chất ngứa có khi ngâm với vôi (bán hạ) hoặc đun với vôi (xương động vật).

Sau khi ngâm hoặc đun phải dùng nước lã rửa sạch vôi. Ta biết rằng vôi tôi là Ca(OH)một chất kiềm; khi ngâm có tác dụng hòa tan một số chất độc; hoặc tạo môi trường kiềm để chất độc dễ tan ra trên cơ sở đó dễ rửa loại chất độc đi. Còn khi nấu với vôi, các chất thịt, mỡ bám vào xương động vật bị tan rã (do thủy phân); dễ dàng cạo rửa, tẩy sạch.

Dùng nước trầu không, để chế thuốc.

Với mục đích tẩy sạch mùi hôi ở gạc, xương động vật. Đun lá trầu không, lấy nước ngâm rửa. Cũng làm tương tự với nước rau cải trong chế biến xương động vật.

Nguồn: Phương pháp chế biến thuốc cổ truyền

Tin tức liên quan
Đặt lịch khám